Vị trí, lý do xây dựng Thành Tân Sở

Trên quốc lộ 9 từ Đông Hà đi Lao Bảo, chỗ cây số 12 rẽ theo đường vào Cùa chừng 7 km sẽ gặp một bình nguyên đất đỏ bazan, được bao bọc bốn phía bởi các dãy núi trùng điệp, đó là vùng đất mà thành Tân Sở khi xưa đã tọa lạc.

Năm 1873, quân Pháp đánh ra Hà Nội lần thứ nhất, buộc nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Giáp Tuất (1874), thì ngay sau đó triều thần đã đề nghị lên vua Tự Đức xin khẩn trương xây dựng các Sơn phòng tại tất cả các tỉnh miền Trung, và được chấp thuận[2]. Trong đó đáng chú ý là Nha Kinh lý Sơn phòng Quảng Trị, tiền thân của thành Tân Sở [3].

Tuy nhiên, việc xây dựng Sơn phòng được tiến hành khẩn trương vào cuối năm 1883, dưới triều vua Kiến Phúc. Khi ấy, triều đình ban lệnh cho các phạm nhân đã phân loại đến khai khẩn ở Sơn phòng Quảng Trị[4], cho "dời nha Sơn phòng Quảng Trị tới làng Bảng Sơn[5], lỵ sở phủ Cam Lộ cũng xin dời về trong Sơn phòng" [6], đồng thời giao cho Phụ chính Nguyễn Văn Tường trực tiếp đứng ra đôn đốc binh sĩ, tù nhân và dân phu trong quá trình xây dựng thành Tân Sở, bởi Cơ mật viện cho là "Sơn phòng Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho kinh đô (Huế)" [7].